Ngành thép Thổ Nhĩ Kỳ đối diện rủi ro đến từ tranh chấp thương mại và nguồn cung thép phế hạn chế
Ngành thép Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với áp lực lớn từ các rào cản thương mại và giá phế liệu tăng cao, do vậy việc tìm kiếm giải pháp thay thế như sắt xốp (DRI) và sắt đóng bánh nóng (HBI) trở nên cấp thiết. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận sự gia tăng đáng kể nhập khẩu bán thành phẩm. Trong bối cảnh đó, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu được xem là chìa khóa để củng cố vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trên thị trường toàn cầu.
14/05/2025 17:56
Ngành sản xuất thép Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ các tranh chấp thương mại toàn cầu và các hạn chế của Liên minh châu Âu (EU) đối với thương mại thép và phế liệu, điều này đe dọa đến tính bền vững của toàn ngành công nghiệp thép – theo ông Fuat Tosyali, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất thép Thổ Nhĩ Kỳ (TCUD), phát biểu tại Đại hội thường niên của Hiệp hội vào ngày 7 tháng 5.
Ông Tosyali nhấn mạnh rằng trong bối cảnh thị trường ngày càng có xu hướng gia tăng sự bảo hộ, việc duy trì năng lực cạnh tranh trong sản xuất thép phát thải thấp cần đến việc tận dụng các nguyên liệu đầu vào sáng tạo và thân thiện với môi trường như DRI và HBI, vốn là những lựa chọn thay thế cho phế liệu, là rất quan trọng.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một số chính sách thương mại trong năm 2024, nhưng lượng nhập khẩu thép của nước này vẫn tăng 1,7% so với cùng kỳ, đạt 17,4 triệu tấn – theo số liệu từ TCUD. Tuy nhiên, về giá trị nhập khẩu lại giảm 9,9% xuống còn 13,2 tỷ USD.
“Trong khi lượng nhập khẩu thép dẹt và thép dài giảm, thì nhập khẩu bán thành phẩm lại tăng đáng kể tới 35%, nguyên nhân là do chi phí phế liệu tăng cao,” ông Tosyali cho biết.
Theo Platts, giá nhập khẩu phế liệu thép HMS 1/2 80:20 của Thổ Nhĩ Kỳ hiện ở mức 342 USD/tấn CFR, tăng 3 USD so với một tuần trước đó.
Bình luận về các mức thuế mới do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố, ông Tosyali cho rằng các chính sách này có thể tạo ra tác động trái chiều đối với ngành thép Thổ Nhĩ Kỳ.
“Mặc dù các mức thuế đó có vẻ như không ảnh hưởng trực tiếp đến ngành thép Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng việc áp thuế 25% lên thép nhập khẩu từ tất cả các quốc gia lại mở ra một số cơ hội nhất định cho Thổ Nhĩ Kỳ, song song với những tác động tiêu cực đa chiều,” ông nhận định.
Theo ông Tosyali, để củng cố vị thế trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, Thổ Nhĩ Kỳ cần có các bước đi phù hợp với kỳ vọng của các ngành chiến lược như ngành thép, đồng thời thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do, duy trì đà tăng trưởng tại các thị trường thay thế như Châu Phi và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
T.L