Thuế quan mới của Mỹ áp đặt đối với các quốc gia châu Á đe dọa xuất khẩu thép của Trung Quốc

Các mức thuế mới của Mỹ có thể làm suy giảm nhu cầu thép xuất khẩu của Trung Quốc, trong bối cảnh ngành thép nước này đang đối mặt với ngày càng nhiều trở ngại tại thị trường châu Á. Thị trường Châu Á vốn đã chịu áp lực bởi nhu cầu yếu và dư cung, nay có thể chứng kiến làn sóng giảm nhập khẩu từ Trung Quốc nếu thuế quan của Mỹ khiến tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng nội địa tại các nước châu Á chậm lại.

09/07/2025 16:43

Thị trường xuất khẩu thép Trung Quốc có thể sẽ đối mặt với nhiều trở ngại hơn khi Mỹ dự kiến áp thuế đối ứng lên tới 40% đối với một số quốc gia từ ngày 1/8, theo chia sẻ đánh giá của một số nguồn tin thị trường.

Một số quốc gia nằm trong danh sách bị Mỹ áp thuế lần này cũng là đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc. Trong bối cảnh ngành bất động sản Trung Quốc tiếp tục làm suy yếu nhu cầu thép trong nước, xuất khẩu thép và các sản phẩm công nghiệp phái sinh sử dụng nhiều thép vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính cho nhu cầu thép của nước này. Do vậy, nếu nhu cầu từ nước ngoài suy yếu trong hoàn cảnh hiện tại, thị trường thép Trung Quốc có thể sẽ chịu thêm áp lực giảm giá.

Ngày 7/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thư đến 14 quốc gia, thông báo rằng họ sẽ phải đối mặt với mức thuế đối ứng dao động từ 25% đến 40%, áp dụng từ ngày 1/8, trừ khi họ tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ và thúc đẩy ngành sản xuất tại Mỹ.

Theo số liệu mới nhất từ Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu thép của Trung Quốc sang 15 quốc gia này (tính cả Việt Nam) chiếm khoảng 30% tổng lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc trong giai đoạn 5 tháng đầu năm, trong khi tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu sang các quốc gia này chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Phần lớn các quốc gia này nằm ở châu Á, nơi mà thị trường thép vốn đã chịu áp lực từ nhu cầu trì trệ và sự lo ngại dư cung.

Giá thép tại châu Á đã giảm liên tục trong hai năm qua. Theo ghi nhận của Platts, giá HRC SS400 CFR Đông Nam Á  hiện ở mức 447 USD/tấn, giảm 22,7% so với thời điểm đầu năm 2024.

Làn sóng thép Trung Quốc tràn vào các thị trường châu Á đã khiến số vụ kiện thương mại chống lại sản phẩm thép Trung Quốc tăng mạnh từ giữa năm 2024.

Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, đã có 5 vụ kiện thương mại (chủ yếu là chống bán phá giá) từ các quốc gia châu Á, dẫn đến việc áp thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm thép Trung Quốc, ảnh hưởng đến khoảng 7,7 triệu tấn thép/năm nhập khẩu vào các nước này.

Ngoài ra, còn có 6 vụ kiện thương mại khác đang trong quá trình điều tra, với khả năng ảnh hưởng đến 4,29 triệu tấn thép xuất khẩu mỗi năm từ Trung Quốc sang các nước này.

Một nguồn tin từ giới thương mại cho biết: “Hiện tại, xuất khẩu thép của Trung Quốc tại các thị trường châu Á vẫn chưa bị ảnh hưởng rõ rệt. Tuy nhiên, nếu Mỹ thực sự áp thuế cao hơn đối với các quốc gia này khiến nhu cầu nội địa của họ suy yếu, nhập khẩu thép Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm, và các biện pháp chống bán phá giá cũng sẽ gia tăng.”

Một số nguồn tin khác cũng lo ngại rằng việc Mỹ áp thuế đối với phần còn lại của thế giới có thể làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp nặng của Trung Quốc trong tương lai gần.

Mặc dù căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tạm thời dịu lại sau khi hai nước đạt được một khuôn khổ thỏa thuận thương mại vào ngày 27/6, phần lớn các bên tham gia thị trường vẫn nhận định chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc là khó đoán, và khả năng Mỹ áp thuế cao hơn đối với Trung Quốc trong tương lai vẫn còn hiện hữu.

Trong mọi trường hợp, xuất khẩu thép và hàng hóa sản xuất của Trung Quốc trong nửa cuối năm 2025 được dự báo sẽ không còn mạnh như giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6, thời điểm các bên mua gấp rút nhập hàng để tránh rủi ro từ các căng thẳng thương mại leo thang.

Theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, 15 quốc gia nằm trong danh sách bị Mỹ áp thuế từ 20% đến 40% trong tháng 8 tới đã chiếm khoảng 30,4% tổng lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2025, tương đương hơn 16,17 triệu tấn. Đáng chú ý, Việt Nam là thị trường lớn nhất với gần 3,82 triệu tấn thép nhập khẩu từ Trung Quốc, chiếm 7,17% tổng xuất khẩu thép của nước này, tiếp theo là Hàn Quốc (5,79%), Indonesia (5,20%) và Thái Lan (4,68%).

T.L