Phạm Xuân Huy: Mang giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh về cho Cán thép Lưu Xá

“Em sinh ra và lớn lên ở Gang thép và có lẽ, em sẽ gắn bó cả đời người với nơi này”.

17/08/2023 13:03

Đó là tâm sự của Phạm Xuân Huy - Phó Phòng Kỹ thuật Nhà máy Cán thép Lưu Xá thuộc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Người vừa vinh dự đại diện cho công nhân lao động ngành Thép nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng.

KAN_1213 Phạm Xuân Huy vinh dự nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng

Tuổi thơ và Gang thép
Thuộc thế hệ 7X, Huy là đời thứ 2 trong một gia đình gắn bó với Nhà máy Cán thép Lưu Xá. Bố mẹ Huy quê ở Lệ Thủy, Quảng Bình, đi thoát ly xây dựng khu Gang thép từ năm 1976, sau đó lựa chọn Thái Nguyên là quê hương thứ hai để an cư, lạc nghiệp, xây dựng tổ ấm. Lần lượt hai anh em Huy ra đời tại Khu Gang thép Thái Nguyên, gắn bó cả tuổi thơ với tập thể Gang thép và lớn lên, dòng máu gang thép chảy trong huyết quản, Huy theo đuổi ước mơ học tập và trở thành một thành viên trong ngôi nhà chung Gang thép Thái Nguyên.

Năm 2003, tốt nghiệp ngành Cơ khí chế tạo máy Đại học Công nghiệp Thái Nguyên, Phạm Xuân Huy ngay lập tức về đầu quân cho Nhà máy Cán thép Lưu Xá. Huy tâm sự, “Tuổi thơ của em gắn bó với mảnh đất này với rất nhiều kỷ niệm. Vì ngày nhỏ em hay theo bố vào Nhà máy. Bố em thích chơi bóng chuyền, em thích chơi bóng đá. Nhà máy lại có chế độ bồi dưỡng con CBCNV có năng khiếu, nên em được nuôi dưỡng, rèn luyện từ nhỏ. Sống trong môi trường của bố mẹ tại Nhà máy có nhiều hoạt động chăm lo đời sống người lao động, nhiều giải văn hóa thể thao, nên em luôn mơ ước học xong sẽ quay về đây cống hiến. Vì thế, khi tốt nghiệp đại học, bạn bè rủ đi nơi khác, nhiều doanh nghiệp tuyển, nhưng em đã chọn ở lại Thái Nguyên, vào làm tại Cán thép Lưu Xá” - Huy cười rất hiền.

Chàng trai ấy còn có một lý do khác, rất người, là cô gái chàng thầm để ý từ trong trường đại học, vốn là một cây văn nghệ của trường cũng đã chọn vào làm việc tại Cán thép Lưu Xá. Và đất lành chim đậu, họ cùng về đây, cùng nên duyên chồng vợ, xây dựng một tổ ấm mới cho thế hệ thứ 2 tại Nhà máy này, đơm hoa kết trái là hai hoàng tử, một ngôi nhà hạnh phúc với tình yêu đong đầy trên đất thép. Ngoài giờ làm việc chính, hai vợ chồng đều bận rộn tham gia các hoạt động văn nghệ thể thao, bởi cả hai đều là những hạt nhân của phong trào, nuôi dưỡng và truyền niềm đam mê tới thế hệ trẻ.

Đến giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh
Ngoảnh đi ngoảnh lại mà đã 20 năm đầu quân cho Nhà máy Cán thép Lưu Xá. Phạm Xuân Huy đã lần lượt kinh qua nhiều vị trí công việc, từ kỹ sư vận hành ở xưởng sản xuất, rồi tổ trưởng sản xuất và Phó Phòng Kỹ thuật. Ở vị trí nào, Huy cũng luôn tìm tòi, khám phá, tận dụng hết khả năng để nâng cao năng suất, hỗ trợ tối đa cho người lao động. Có lần, khi đang là Trưởng ca chỉ đạo trực tiếp sản xuất, như mọi lần, tan ca đêm, Huy cùng anh em vừa đi ăn sáng thì nhận lệnh quay lại Nhà máy vì sự cố.

Không ai trong ekip nghĩ  sự cố lại phức tạp đến vậy, toàn nhóm bám máy đến tận 4h sáng hôm sau mới khắc phục được, ăn tại máy và chia nhau tranh thủ nghỉ tại máy. 4h sáng máy chạy, anh em vừa dắt xe về thì trời mưa như trút, nước ngập khắp nơi, phải dắt xe mãi đến khi nhìn thấy một quán hàng mở cửa sớm, anh em mới xin vào trú nhờ. Về đến nhà là 6h sáng. 8h đội bóng đá Nhà máy thi đấu, Huy trong vai trò tiền đạo lại vào sân thi đấu, anh em ra cổ vũ Tổ trưởng ngồi ngủ gật cả tại sân. Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời người đã có thâm niên 20 năm gắn bó với Nhà máy và cả tuổi thơ gắn bó với mảnh đất thép anh hùng.

Huy cho biết, “dây chuyền sản xuất càng cũ càng khó khăn, tâm tư người lao động càng muốn cải tiến để giảm thiểu sức lao động, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sao cho hiệu quả, nâng cao năng suất, vì vậy, mỗi vị trí làm việc luôn suy nghĩ và trăn trở để đưa những cải thiện dù nhỏ nhất vào áp dụng để thay đổi điều kiện làm việc sao cho tốt nhất cho người lao động. Lãnh đạo Nhà máy đặc biệt quan tâm, nhất là sáng kiến về môi trường. Mỗi phân xưởng đều có đội ngũ hỗ trợ, người lao động đề xuất ý tưởng, tổ hỗ trợ giúp viết đề xuất để sáng kiến được triển khai, phong trào thi đua nhờ thế được duy trì rất tốt trong suốt những năm qua”.

Phụ trách mảng chất lượng hệ thống trục cán, bánh cán, bánh nắn quyết định chính đến sản phẩm đưa ra thị trường, thêm mảng về tiêu hao vật tư phụ tùng linh kiện, hàng tháng, hàng quý, Huy phải liên tục tìm ra các bất hợp lý, đề xuất các giải pháp khắc phục. Cái gì làm được thì tự làm, cái gì không làm được thì đề xuất lãnh đạo thuê người viết phần mềm quản lý hệ thống. Nhờ được lãnh đạo Nhà máy nhiệt tình ủng hộ tạo điều kiện đầu tư, công tác quản lý tại Nhà máy đã được số hóa dần.

Riêng Huy, mỗi năm trung bình có từ 10-12 sáng kiến. Hệ thống sáng kiến giúp Huy được đề cử giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh đã xuất sắc đem lại giá trị làm lợi cho Nhà máy số tiền hơn 500 triệu đồng.

z4611636338899_70fdc0aca7625bc9577fc8d350fa4fd3 Phạm Xuân Huy - Người mang giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh về cho Cán thép Lưu Xá

“Đây là lần đầu tiên em được giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh, giải thưởng mỗi người chỉ được một lần duy nhất trong đời, đối với em đó là một niềm tự hào, một niềm hạnh phúc rất lớn. Ngày biết tin vui này, em nghĩ giải thưởng này giành cho Cán thép Lưu Xá - nơi em đã yêu thương và sẽ gắn bó cả đời!” - Phạm Xuân Huy xúc động chia sẻ.

Còn với Nhà máy Cán thép Lưu Xá, đây là một vinh dự rất lớn, bởi từ cái nôi này đã sản sinh ra rất nhiều gương lao động sáng tạo của ngành Thép, bởi tới Phạm Xuân Huy thì Nhà máy có tới 2 người lao động được giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh. Điều này đủ để thấy, mảnh đất này đã nuôi dưỡng nhiều nhân tài như thế nào. Có lẽ vì thế, những người đã gắn bó với nơi đây đều một lòng, một dạ, vì một ngôi nhà Cán thép Lưu Xá, dù có khó khăn vất vả cũng không nỡ rời đi, mà vẫn luôn chung tay vì một Cán thép Lưu Xá phát triển hơn trong tương lai.

SK Pham Xuan Huy

Hồ Nga - Minh Thủy (Tạp chí Công Thương)