Giá phế liệu toàn cầu tiếp tục giảm do dư cung kéo dài
Giá phế liệu toàn cầu tiếp tục chiều hướng giảm trong tháng 5, phản ánh tình trạng dư cung kéo dài và nhu cầu yếu trên thị trường thép thế giới. Theo dữ liệu mới nhất từ CRU, chỉ số giá phế liệu CRUmpi đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2025, khi nhiều khu vực ghi nhận giá giảm đồng loạt do hoạt động tiêu thụ chững lại và tâm lý thị trường ngày càng thận trọng. Trong bối cảnh nguồn cung gia tăng theo mùa vụ, các doanh nghiệp thép và thương nhân toàn cầu đang đối mặt với áp lực lớn trong việc điều chỉnh kế hoạch thu mua và sản xuất.
19/05/2025 16:02
Chỉ số CRUmpi trong tháng 5 đã giảm 3,3% so với tháng trước, xuống còn 291,6 - mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm 2025. Giá phế liệu giảm trên hầu hết các thị trường lớn khi nhu cầu vẫn dừng lại ở mức khiêm tốn do tình hình thị trường thép toàn cầu yếu kéo dài và giá thép thành phẩm tiếp tục đi xuống. Trong khi đó, nguồn cung phế liệu lại tăng theo yếu tố mùa vụ. Phần lớn người mua vẫn đang tích trữ một cách thận trọng, kỳ vọng giá sẽ tiếp tục giảm trong ngắn hạn.
Tại Mỹ, giá phế liệu tiếp tục giảm trong tháng 5 trên tất cả các chủng loại và khu vực do nhu cầu yếu trong bối cảnh nguồn cung tăng mạnh. Thêm vào đó, giá phế liệu xuất khẩu của Mỹ cũng trở nên kém cạnh tranh tại Thổ Nhĩ Kỳ, khiến một lượng lớn nguồn phế liệu quay lại thị trường nội địa. Một số nhà máy thép có kế hoạch ngừng hoạt động để bảo trì, hoặc cắt giảm lượng mua do vẫn còn dư tồn kho từ những tháng trước, sẽ tiếp tục gây dư cung và hạn chế khả năng tăng giá. Nhiều nhà máy cũng đã đặt giá mua phế liệu mới ở mức thấp hơn sau khi giá thép thành phẩm giảm trong những tuần gần đây. Tình hình bất ổn kinh tế và việc các quyết định về thuế quan của chính phủ vẫn chưa được công bố cụ thể cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường thép. Giá nhập khẩu gang thỏi vào Mỹ cũng giảm theo xu hướng giảm của giá phế liệu.
Tại châu Âu, giá phế liệu E3 và loại phế liệu băm (shredded) cũng giảm tương tự như tình hình tại Mỹ. Nhu cầu phế liệu giảm do sản lượng thép thấp hơn, xuất phát từ nhu cầu thép thành phẩm yếu kéo dài. Dù chi phí năng lượng đã giảm vào đầu tháng 5, tạo điều kiện thuận lợi về chi phí cho các nhà máy sử dụng lò điện hồ quang (EAF), người mua vẫn yêu cầu giảm giá trong các đơn chào hàng mới do kỳ vọng giá phế liệu sẽ tiếp tục giảm. Trong khi đó, các nhà cung cấp phế liệu lại không sẵn sàng giảm giá chào bán, dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa giá mua và giá bán, làm giảm hoạt động giao dịch trong khu vực. Giá nhập khẩu gang vào EU ổn định, trong khi giá HBI tăng theo tháng do nguồn cung hạn chế. Ngược lại, giá xuất khẩu gang từ các nước CIS giảm mạnh theo tháng, khi các nhà cung cấp Nga chuyển hướng bán nhiều hơn sang các thị trường như Ấn Độ, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi hạn ngạch nhập khẩu gang Nga của EU hết hạn từ tháng 2.
Tại châu Á, xu hướng giá phế liệu có sự phân hóa giữa các thị trường trọng điểm. Giá tại Trung Quốc và Việt Nam tăng theo tháng khi người mua tăng giá thu mua để thu hút nguồn cung sau kỳ nghỉ lễ Lao động đầu tháng 5. Ngoài ra, thỏa thuận thương mại mới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng đã cải thiện niềm tin trên thị trường thép. Theo CRU, các nhà máy lớn của Trung Quốc đã tăng giá chào mua phế liệu ngay sau khi thỏa thuận được công bố, do kỳ vọng nhu cầu thép - đặc biệt là đối với các sản phẩm thép xuất khẩu - sẽ tăng trở lại.
Ngược lại, giá phế liệu tại Bangladesh và Nhật Bản giảm theo tháng do nhu cầu thép yếu. Tại Nhật, sự chênh lệch lớn giữa giá mua và giá bán tiếp tục tồn tại do các nhà máy vẫn do dự trong việc tăng sản lượng thép giữa lúc bất ổn toàn cầu. Còn tại Bangladesh, các nhà máy gặp khó khăn về vốn lưu động trong việc đặt mua lô hàng phế liệu mới, do ngân hàng chỉ mở Thư tín dụng có chọn lọc, trong khi lợi nhuận thấp từ việc bán thép khiến việc thanh toán các đơn hàng thép phế liệu trả trước trở nên khó khăn.
T.L